Trẻ cần ăn bao nhiêu ml sữa công thức là đủ?, mỗi lần cần bao nhiêu ml? hay làm thế nào để biết được trẻ đói... Rất nhiều vấn đề khiến mẹ quan tâm khi bàn về vấn đề ăn uống của trẻ, đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ.
1. Dấu hiệu cho thấy trẻ đói
Trong 6 tháng đầu đời, trẻ sơ sinh chỉ cần một loại thức ăn duy nhất để phát triển và lớn lên đó chính là sữa mẹ. Bởi lúc này hệ tiêu hóa của trẻ còn rất non nớt và chưa hoàn thiện. Trong trường hợp mẹ vì điều kiện nào đó không có đủ sữa cho em bé hoặc không thể cho trẻ bú mẹ được thì mới bổ sung sữa công thức cho trẻ.
Sữa mẹ và sữa công thức sẽ phù hợp với đặc điểm thể chất của trẻ trong giai đoạn này. Nhu cầu ăn sữa của trẻ không giống nhau và cũng thay đổi theo từng tuần và từng tháng tuổi của trẻ.
Khi trẻ đói, trẻ sẽ có những phản ứng nhất định, những hành vi thể hiện rõ điều này, chẳng hạn như:
- Khóc: Đây chính là hành vi phổ biến nhất khi trẻ cảm thấy đói
- Trẻ lấy tay đánh vào miệng
- Mút tay
- Khi bạn vuốt má trẻ, trẻ quay về phía bạn
- Đưa tay lên miệng
- Thường há miệng
Sau khi trẻ uống sữa, nếu trẻ vẫn hướng ánh nhìn xung quanh, có thể lúc này trẻ vẫn còn đói. Bạn hãy chuẩn bị thêm một ít sữa cho trẻ, không nên pha quá nhiều hoặc tương đương lượng sữa trước đó vì thường trẻ sẽ không uống hết và bạn sẽ phải đổ đi lượng sữa này.
Trong quá trình tăng trưởng, trẻ có thể đói hơn bình thường. Quá trình này thường xảy ra khi trẻ được 10 đến 14 ngày sau sinh và khoảng 3 đến 6 tuần, 3 tháng và 6 tháng tuổi.
Khóc không những là dấu hiệu điển hình khi trẻ đói mà còn là một số tình trạng khác, chẳng hạn như tã trẻ ướt, trẻ cảm thấy lạnh hoặc nóng, trẻ ăn quá no hoặc đơn giản là trẻ muốn được gần bạn.
2. Nhu cầu về lượng sữa công thức dựa vào trọng lượng của trẻ
Từ 4 đến 6 tháng đầu tiên, trẻ không cần thêm bất cứ một loại thực phẩm nào ngoài sữa, lượng sữa cho bé sẽ tăng dần theo nhu cầu của từng trẻ. Việc đánh giá có thể xem xét bằng cách: sau mỗi cử bú, trẻ có còn dấu hiệu của đói hay không? Trẻ có tăng cân theo tháng tuổi hay không? Trẻ có gặp vấn đề về tiêu hóa khi tăng lượng sữa lên hay không? Nếu trẻ bú đủ, trẻ sẽ ngủ yên hơn, đi tiểu hoặc đại tiện trung bình 4-5 lần/ ngày hoặc trẻ lên cân tốt, linh hoạt và không có gặp nhiều vấn đề về nôn trớ quá nhiều lần trong ngày. Nếu tình trạng bú vào kèm nôn trớ nhiều lần cần xem xét trước tiên là trẻ đang được bú quá nhiều trong một lần đó. Nếu tình trạng tái diễn, trẻ chậm tăng cân thì cần được thăm khám với bác sĩ.
3. Nhu cầu về lượng sữa công thức dựa vào độ tuổi của trẻ
Khi trẻ càng lớn, lượng sữa trẻ uống một lần sẽ tăng lên, số lần uống trong ngày sẽ giảm xuống. Điều quan trọng là bạn cần chú ý không nên cho trẻ ăn quá nhiều để trẻ có cân nặng hợp lý. Trong vòng 24 giờ, không nên cho trẻ uống quá 32 ounce sữa ( nên đổi qua ml hơn là ounce).
Dưới đây là lượng sữa công thức trẻ cần tiêu thụ mỗi ngày dựa vào độ tuổi ( công thức chỉ có tính chất tham khảo, tùy thuộc vào từng em bé khác nhau):
- Tuần đầu tiên: Trẻ sơ sinh ăn theo nhu cầu; cứ sau mỗi 2 đến 3 giờ. Trong một hoặc hai ngày đầu tiên sau sinh, trẻ có thể chỉ uống nửa ounce cho mỗi lần ăn. Sau đó, cho trẻ ăn từ 1 đến 2 ounce sữa công thức trong mỗi lần ăn.
- Sau 2 tuần: 2 đến 3 ounce mỗi lần cho ăn
- Tuần thứ 2 đến tuần thứ 4: 2 đến 4 ounce mỗi lần ăn, các bữa cách nhau ba đến bốn giờ
- Trẻ 1 tháng tuổi : Ít nhất 4 ounce mỗi lần ăn, các bữa cách nhau ba đến bốn giờ
- Đến 2 tháng tuổi : 4 đến 5 ounce mỗi lần ăn, các bữa cách nhau ba đến bốn giờ
- Trẻ 4 tháng tuổi : 4 đến 6 ounce mỗi lần ăn, mỗi bữa cách nhau ba đến bốn giờ, với thời gian kéo dài hơn vào ban đêm
- Trẻ 6 tháng tuổi: 6 đến 8 ounce mỗi lần ăn, các bữa cách nhau bốn đến năm giờ, với thời gian kéo dài hơn vào ban đêm, đặc biệt có những trẻ không cần ăn và ngủ xuyên đêm.
Lượng ăn của trẻ sẽ chững lại khi trẻ tiêu thụ khoảng 7 đến 8 ounces sữa công thức trong mỗi lần ăn. Khi trẻ được 1 tuổi, ngoài sữa, trẻ sẽ được chuẩn bị 3 bữa ăn chính và kèm theo các bữa ăn phụ mỗi ngày.
4. Dấu hiệu cho thấy trẻ ăn đủ sữa
Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ nhận đủ lượng sữa mà trẻ cần:
- Tăng cân ổn định. Khi trẻ bú và nhận đủ lượng ml sữa chuẩn, trẻ sẽ tăng cân đều. Dựa vào sự tăng cân là biểu hiện quan trọng nhất để biết trẻ bú đủ hay chưa. Hầu hết trẻ sơ sinh giảm tới 10% trọng lượng sơ sinh trong vài ngày đầu và sau đó lấy lại được cân nặng này khi trẻ được 10 ngày tuổi.
- Trẻ vui vẻ: Sau khi ăn sữa, trẻ vui vẻ và thoải mái, điều này chứng tỏ trẻ đã được ăn đủ nhu cầu
- Tã ướt: Nếu bỉm của trẻ bị ướt mỗi lần mẹ thay ( khoảng 4 đến 5 lần mỗi ngày trong tháng đầu tiên) thì trẻ đã nhận đủ sữa. Nước tiểu của trẻ nhạt và không có mùi. Nếu nước tiểu của trẻ có màu sẫm thì nhiều khả năng trẻ vẫn còn đói.
5. Dấu hiệu cho thấy trẻ ăn quá nhiều sữa
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy trẻ ăn quá nhiều sữa:
- Nôn: Trẻ nôn sau khi cho ăn có thể là một dấu hiệu cho thấy ăn quá nhiều sữa.
- Đau bụng: Trẻ bị đau bụng sau khi cho ăn cũng có thể là một dấu hiệu của việc ăn quá nhiều. Nếu trẻ kéo chân lên hoặc sờ bụng, đây có thể là biểu hiện cho thấy trẻ bị đau bụng.
Nếu bạn lo lắng rằng trẻ ăn quá ít hoặc quá nhiều công thức, hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn, đồng thời giúp bạn:
- Kiểm tra cân nặng và sự tăng trưởng của bé
- Cho bạn biết liệu lượng ăn của trẻ có phù hợp với trọng lượng và tuổi của trẻ hay không.
Ngoài ra, để tránh tình trạng trẻ bị ọc sữa, mẹ nên chia ra nhiều cữ cho trẻ bú, tránh dồn ép trẻ bú nhiều trong 1 lần bởi lúc này hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh có dung tích nhỏ hơn rất nhiều. Không nên cho trẻ nằm liền sau khi ăn sữa, thay vào đó nên tìm cách cho trẻ ợ hơi để giải thoát bở lượng khí thừa. Đồng thời, không nên cho trẻ vừa nằm vừa ăn sữa.
Lượng sữa công thức mà trẻ cần trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mẹ nên dựa vào tình trạng thực tế của trẻ để xác định được chính xác hơn. Nếu cần, mẹ có thể tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ hay các chuyên gia dinh dưỡng.
Khi bổ sung sữa công thức cho bé, mẹ cần lưu ý:
- Nhiệt độ của sữa công thức thường sẽ được xác định bởi sở thích của từng bé và cũng có thể được xác định theo độ tuổi của bé.
- Pha sữa đúng theo chỉ dẫn
- Đảm bảo sữa còn hạn sử dụng theo thông tin in trên vỏ bao bì
- Rửa tay và lau khô
- Khử trùng bình sữa, các dụng cụ dùng để pha sữa